Kiểm toán Nhà nước chọn ngẫu nhiên 34 người để xác minh tài sản, thu nhập
Kiểm toán Nhà nước đã lựa chọn ngẫu nhiên 34 trường hợp thuộc 6 đơn vị trong ngành để tiến hành xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập. Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo c…
Kiểm toán Nhà nước đã lựa chọn ngẫu nhiên 34 trường hợp thuộc 6 đơn vị trong ngành để tiến hành xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập.
Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước.
Theo ông Ngô Văn Tuấn - Phó Tổng Kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2022 song toàn ngành đã khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đạt tiến độ, chất lượng. Các cuộc kiểm toán kết thúc đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành báo cáo kiểm toán đúng quy định pháp luật.
8 tháng đầu năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trên 22.000 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Đặc biệt, ông Tuấn cho biết Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 724 báo cáo kiểm toán, các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác.
Tại cuộc kiểm toán chuyên đề về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.
Liên quan đến các biện pháp phòng chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước đã lựa chọn ngẫu nhiên 34 trường hợp thuộc 6 đơn vị trong ngành để tiến hành thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đánh giá, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy đạt tỷ lệ 56,3% (37.924 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm trước (49,9%) nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu.
Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị kiểm toán để nâng cao tỷ lệ thực hiện và thu hồi tiền, tài sản vi phạm về ngân sách nhà nước; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị không nghiêm túc thực hiện…
Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (có hiệu lực từ ngày 20/12/2020). Tuy nhiên do cả nước phải tập trung chống dịch Covid-19 nên đến nay quy định về xác minh ngẫu nhiên bản kê khai tài sản, thu nhập mới lần đầu tiên thực hiện quy định này.
Nghị định 130 nêu rõ, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh hàng năm; Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hàng năm sau khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.
Kế hoạch xác minh hằng năm phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình. Riêng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phải bảo đảm tối thiểu bằng 10%.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
Theo Dân Trí
Bạn cảm thấy bài viết thế nào?
Bài viết liên quan
Admin
Journalist / FounderChúng tôi là người sáng lập ChienDaHongHot chúng tôi có chung một đam mê với Mạng xã hội, đam mê Code và yêu thích Máy tính...