Bám sát mục tiêu chính sách trong sửa đổi, bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi…
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy cho biết ngay sau kỳ họp thứ 3, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã bám sát các mục tiêu chính sách, tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm; phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đề cập một số nội dung cụ thể, ông Lê Quang Huy cho biết về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp (DN) được cấp phép sử dụng (Khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị làm rõ việc giới hạn như vậy có làm giảm sức cạnh tranh của DN trên thị trường, gây ảnh hưởng đến DN, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn DN cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không.
Với vấn đề này, Thường trực Ủy ban KHCN&MT cho rằng băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một DN được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng, có thể dẫn đến tình trạng DN có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số khiến các DN khác bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi DN. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một DN cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn DN cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của DN, không trái với Khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Cạnh tranh.
Con số thống kê từ 22 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy có tới 19/22 nước (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một DN được cấp.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định tại Khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật.
Về phương thức cấp phép (Khoản 5, 6, 7, 8 Điều 1 dự thảo Luật), theo ông Lê Quang Huy, nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân là ở quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai; giải pháp khắc phục như thế nào.
Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã báo cáo một số vướng mắc dẫn đến 13 năm qua chưa đấu giá tần số vô tuyến điện và giải pháp khắc phục. Cu thể, về vướng mắc trong quy định pháp luật, năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực. Trong giai đoạn 2010-2014, các DN viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa mới được cấp phép băng tần cho mạng 3G thông qua thi tuyển vào năm 2009 và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G. Trong những năm này, các quy định pháp luật về đấu giá tần số vô tuyến điện đã cơ bản được hoàn thiện.
Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai đấu giá các băng tần này. Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu và phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng Nghị định. Cuối năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP quy định về tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.
Về vướng mắc trong thực tiễn triển khai, đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá.
Về giải pháp, dự thảo Luật bổ sung quy định (Khoản 5 và khoản 12 Điều 1 dự thảo Luật) nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua. Đó là thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép (đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp). Làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp. Giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.
Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần (Khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị làm rõ tại sao có quy định các mốc thời gian DN phải nộp đề nghị cấp lại là 3 năm và 6 tháng; có thể nâng từ 3 năm lên thành 5 năm để tạo điều kiện cho DN chủ động phương án kinh doanh không.
Ông Lê Quang Huy cho hay quy định tại dự thảo Luật đặt ra 2 mốc thời gian, theo đó, 3 năm là thời điểm xem xét DN có nằm trong diện được cấp lại hay không để DN chuẩn bị phương án kinh doanh mới; 6 tháng là thời điểm để DN nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, đồng thời cơ quan quản lý thực hiện các thủ tục, cấp giấy phép và thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Trong đó, khoảng thời gian xem xét cấp lại giấy phép cần đảm bảo đủ dài. Trường hợp không được cấp lại giấy phép, DN vẫn còn có thời gian để thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng. Nếu để thời gian quá dài (chẳng hạn 5 năm) thì việc quy hoạch tần số vô tuyến điện có thể không theo kịp sự thay đổi của công nghệ.
Tham khảo kinh nghiệm 32 quốc gia trên thế giới có quy định về cấp lại giấy phép trong Luật thì thấy rằng thời điểm xem xét cấp lại sớm nhất của họ là 3 năm trước khi giấy phép hết hạn, vì vậy, theo ông Lê Quang Huy, việc chọn các mốc thời gian như dự thảo Luật là phù hợp.
Nguyễn Hoàng/ Báo Chính Phủ
Bạn cảm thấy bài viết thế nào?
Bài viết liên quan
Admin
Journalist / FounderChúng tôi là người sáng lập ChienDaHongHot chúng tôi có chung một đam mê với Mạng xã hội, đam mê Code và yêu thích Máy tính...