Vì sao lại thu thập giọng nói làm cơ sở dữ liệu Căn cước công dân?
Nhiều băn khoăn về đề xuất thu thập giọng nói vào cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, bởi giọng nói của một người có nhiều thay đổi theo thời gian, tuổi tác, một người có thể nói được nhiều giọng. Tại …
Nhiều băn khoăn về đề xuất thu thập giọng nói vào cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, bởi giọng nói của một người có nhiều thay đổi theo thời gian, tuổi tác, một người có thể nói được nhiều giọng.
Tại cuộc họp thẩm định dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vừa diễn ra, đại diện Bộ Công an cho biết sau 8 năm thi hành luật đã mang lại nhiều kết quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân và góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Tuy vậy, Luật Căn cước công dân không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân cũng như không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Luật cũng cần có quy định bổ sung để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân của công dân được thuận lợi hơn; mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Một vấn đề đáng chú ý được nêu ra trong dự thảo luật là bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân vào thẻ Căn cước công dân như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ Công an.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đề nghị làm rõ tiêu chí để tích hợp thông tin vào Căn cước công dân, thông tin nào bắt buộc, thông tin nào công dân tự nguyện tích hợp.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần rà soát để tránh trùng lắp với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan.
Về đề xuất cấp thẻ Căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, đại diện Bộ Y tế cho rằng trẻ dưới 14 tuổi còn thay đổi nhiều về mọi mặt và quy định này có thể phát sinh thủ tục cho cha mẹ, người giám hộ theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh đối với trẻ em dưới 14 tuổi, khi làm đăng ký khai sinh chỉ cần cấp số định danh và chỉ cần quản lý thông qua số định danh cá nhân là đã có thể hưởng toàn bộ tiện ích liên quan đến số định danh cá nhân. Khi trẻ trên 14 tuổi đảm bảo các thông tin liên quan đến sinh trắc học, đảm bảo tính ổn định về mọi mặt của trẻ thì mới làm Căn cước công dân. Do đó, cơ quan soạn thảo phải đánh giá rất kỹ bài toán và tính hiệu quả, lợi ích khi tính tới cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi.
Việc bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói; thông tin về người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam… cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ đều cho rằng mỗi vùng miền đều có phương ngữ riêng, giọng nói của một người có nhiều thay đổi theo thời gian, tuổi tác, thậm chí một người có thể nói được nhiều giọng khác nhau. Vậy làm thế nào để có thể nhận diện giọng nói của cùng một người?
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Công an bổ sung và nêu rõ trong tờ trình về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý. Hiện nay, rất nhiều khó khăn, vướng mắc là do việc tổ chức thi hành pháp luật nên cần phải làm rõ cơ sở pháp lý dẫn đến việc cần phải sửa đổi Luật Căn cước công dân hiện hành.
Theo bà Oanh, dự thảo luật mới chỉ tập trung sửa đổi nội dung liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chứ chưa sửa đổi tổng thể về Luật Căn cước công dân, nên cũng cần cân nhắc về tên gọi và phạm vi điều chỉnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các chính sách nêu trong tờ trình, cũng như cần phải xử lý về những vấn đề trùng lặp ở văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với dự thảo luật, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các quy định để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự
Như Dân trí thông tin trước đó, trong hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an lý giải, việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Theo Bộ Công an, quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…
Theo Dân Trí
Bạn cảm thấy bài viết thế nào?
Bài viết liên quan
Admin
Journalist / FounderChúng tôi là người sáng lập ChienDaHongHot chúng tôi có chung một đam mê với Mạng xã hội, đam mê Code và yêu thích Máy tính...