Thương cụ bà đau yếu, sống qua ngày nhờ những mớ rau 3 nghìn đồng
Mắt mờ, chân chậm, nhưng ngày nào cũng thế, bà Đanh ở ngoài đồng hái từng cọng rau mang bán. 3 nghìn đồng một mớ rau, bà tích góp lấy tiền đong gạo, nấu bữa cháo ăn qua ngày… Theo chân chị Nguyễn Th…
Mắt mờ, chân chậm, nhưng ngày nào cũng thế, bà Đanh ở ngoài đồng hái từng cọng rau mang bán. 3 nghìn đồng một mớ rau, bà tích góp lấy tiền đong gạo, nấu bữa cháo ăn qua ngày…
Theo chân chị Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi men theo con đường nhỏ vào thăm bà Nguyễn Thị Đanh, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thôn, xã. Căn nhà nhỏ, rộng chừng chưa đến 10 mét vuông, với lỉnh kỉnh những đồ phế liệu mà bà Đanh nhặt nhạnh được để mang bán cũng là chỗ che mưa, che nắng.
Đôi mắt hoen mờ, chân tay run lẩy bẩy… bà nghẹn lại:"Tôi cũng có con trai đấy, nếu nó còn sống thì còn có nó để dựa nhưng nó chết cách đây 6,7 năm vì tai nạn rồi".
Bà nói xong chỉ lên ban thờ, nơi có tấm di ảnh của người đàn ông trẻ tuổi xấu số qua đời sớm, để lại mẹ già đớn đau, khóc đến cạn cả nước mắt trong suốt bằng đó thời gian qua.
Không có gói bánh hay đĩa hoa quả thắp hương, bà lấy một nén nhang thơm thắp cho con trai, miệng lầm rầm khấn. Gương mặt già nua, nhăn nheo, bà cạn nước mắt rồi nhưng trong lòng đau nhói. Bà khẽ kể: "Cũng lâu lắm rồi, nhưng đêm nào ngủ tôi cũng mơ thấy nó. Nó đi làm về, mua cho tôi chiếc áo mới, nó mua cả cho tôi chiếc nón mới để đội đi chợ nữa…".
Kí ức như cuốn phim quay chậm, đậm nét và đau đến tận tâm can. Ở tuổi gần đất xa trời rồi, bà thèm lắm một lần được nhìn thấy con, thèm được con gọi hai tiếng "Bu ơi", thèm một bữa cơm rau dưa với con… Nhưng tất cả đã xa rồi. Trở về với thực tại, bà một mình ôm nỗi đớn đau khi con trai không còn nữa.
Cuộc sống vất vả khó khăn khi chồng bà cũng đã qua đời từ lâu. Để vật lộn, mưu sinh với cuộc sống này, công việc hàng ngày là mòn mót từng cọng rau mang bán. Ở một góc nhà, bà để khoảng 5,7 mớ rau các loại, để sáng mai đi chợ. Bà kể nếu ngày nào bán được hết thì được khoảng 20 ngàn đồng, còn ngày nào không bán hết thì lại mang rau về ăn thay cơm, ăn nhiều rồi cũng thành quen…
Xót thương cho hoàn cảnh của bà, chị Nguyễn Thị Hà vô cùng ái ngại, tâm sự: "Ở trên địa bàn thôn xã, có chương trình gì là chúng tôi cũng ưu tiên bà vì bà ở một mình, điều kiện hoàn cảnh khó khăn, tội lắm. Tuy nhiên cũng phải tâm sự thật với anh chị đó là điều kiện ở địa phương còn hạn chế nên chỉ giúp đỡ được một phần nào thôi nên rất mong muốn được bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ cho bà".
Đi thăm nhà bà, chúng tôi đều nghẹn lại bởi quan sát điều kiện sống quá ư thiếu thốn. Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, đáng ra bà phải được vui vầy cùng con cháu, nhưng bà hoàn toàn chỉ có một mình thôi. Ngồi sắp lại từng bó rau, đôi bàn tay bà nhăn nheo, run rẩy nhưng vẫn miệt mài làm bởi bà hiểu rằng mình không dựa được vào ai cả… Bữa rau, bữa cháo hàng ngày phụ thuộc cả vào những cọng rau kia nên bà ngồi miết, cho dù đôi chân có tê cứng và mỏi nhừ.
Loạng choạng đứng dậy, chúng tôi phải đỡ bà để bà khỏi ngã. Ngồi tựa vào cửa quay ra hiên nhà, bà lại dõi đôi mắt mờ đục và hoen rỉ ra phía xa xa. Đi gần hết cuộc đời rồi, bà còn mong cầu gì hơn ngoài bữa cơm ăn đủ đầy hàng ngày để không bị đói. Bà nghẹn lại: "Tôi không còn nhớ bao đêm mình đã thức trắng và khóc đến ướt đẫm cả gối rồi… Cuộc đời mình không hiểu sao giờ lại chỉ có một mình thế này".
Lời tâm sự của bà nghẹn đắng. Thương bà lắm bà ơi. Bà già rồi, còn sức lao động đâu mà vẫn miệt mài sớm tối đi hái từng cọng rau như vậy. Với chúng tôi, điều ao ước lúc này là mong bà được nghỉ ngơi bởi đôi chân đã lội bùn, tấm lưng tắm nắng cả cuộc đời rồi… Bà ơi!
Theo Báo Dân Trí
Bạn cảm thấy bài viết thế nào?
Bài viết liên quan
Admin
Journalist / FounderChúng tôi là người sáng lập ChienDaHongHot chúng tôi có chung một đam mê với Mạng xã hội, đam mê Code và yêu thích Máy tính...