"Sát thủ phòng không" Mỹ có thể giúp Ukraine xuyên thủng lá chắn Nga
Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 (Ảnh: The Drive). Trang tin The Hill dẫn lời một phi công quân sự Ukraine cho biết, các tên lửa chống bức xạ được Mỹ chuyển giao cho không quân Ukraine gầ…
Trang tin The Hill dẫn lời một phi công quân sự Ukraine cho biết, các tên lửa chống bức xạ được Mỹ chuyển giao cho không quân Ukraine gần đây chỉ là một phần của chiến lược phức tạp nhằm đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.
Phi công Ukraine cho biết, không quân nước này gần đây đã sử dụng tên lửa chống bức xạ để đối phó với các hệ thống phòng không của Nga.
Sự xuất hiện của các tên lửa chống bức xạ ở Ukraine lần đầu tiên được Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl xác nhận hôm 8/8. Ông Kahl cho biết các tên lửa này nằm trong gói viện trợ vũ khí sát thương gần đây của Mỹ cho Ukraine, giúp Kiev nâng cao hiệu quả tác chiến.
"Đó là sự hỗ trợ tuyệt vời cho chúng tôi. Trên thực tế, đó là một trong những vũ khí tiên tiến nhất mà chúng tôi có ở thời điểm hiện tại", phi công Ukraine nói, nhưng nhấn mạnh rằng tên lửa này chỉ là "một phần của nhiệm vụ phức tạp".
Mặc dù các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chưa xác nhận cụ thể loại tên lửa chống bức xạ hoặc số lượng tên lửa gửi cho Ukraine, nhưng CNN đưa tin những tên lửa này là tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 50km.
"Tên lửa này rất đắt đỏ và chúng tôi chỉ có số lượng hạn chế", phi công Ukraine nói, đồng thời cho biết quân đội Ukraine phải chọn lọc các mục tiêu tấn công bằng tên lửa do Mỹ cung cấp, tập trung chủ yếu vào các hệ thống tên lửa tầm xa "nguy hiểm nhất" của quân đội Nga.
AGM-88 là tên lửa chống bức xạ tốc độ cao được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985. AGM-88 có khả năng nhắm mục tiêu vào các radar tần số cao và được xem là vũ khí chủ lực của Mỹ trong thế trận áp chế phòng không đối phương.
Nếu được cấp cho Ukraine, AGM-88 có thể sẽ tác động tới cục diện chiến sự. Nga trong giai đoạn 2 của cuộc xung đột đã triển khai mạng lưới phòng không dày đặc ở khu vực Donbass, có khả năng đánh chặn tên lửa cũng như hệ thống máy bay không người lái của Ukraine.
Với một tên lửa có khả năng áp chế hệ thống phòng không đối phương, Ukraine có thể nhằm mục tiêu vào các lá chắn thép của Nga. Tên lửa AGM-88 có thể nhắm vào các hệ thống trinh sát pháo binh hay radar phòng không của Nga như S-400.
Theo báo Kyiv Post, các tên lửa chống bức xạ của Mỹ được cho là có liên quan đến việc phá hủy ít nhất 5 hệ thống pháo phòng không của Nga, cùng với 4 hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 và một hệ thống tên lửa Pantsir-S1.
Tuy vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn kêu gọi các nước hỗ trợ nhiều hơn cho Kiev. Ông khẳng định các khoản viện trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các lực lượng vũ trang Ukraine đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga bằng cách phá hủy các tuyến đường tiếp tế trước mùa đông, thời điểm các điều kiện thời tiết có thể thay đổi cục diện chiến trường và địa chính trị.
Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị mở rộng quy mô hợp tác với không quân Ukraine, trong đó lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện cho các phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ.
Mặc dù lực lượng lục quân Ukraine vẫn đang sử dụng hiệu quả các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp và các hệ thống rocket phóng loạt khác, song phi công Ukraine vẫn hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ lực lượng không quân Ukraine. Các quan chức Ukraine từ lâu đã kêu gọi Mỹ hỗ trợ các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 do Washington sản xuất.
Alex Gorgan, một sĩ quan bộ binh Ukraine từng đưa ra sáng kiến huấn luyện các phi công Ukraine trên máy bay phương Tây, cho rằng Ukraine không thể giành lại những vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát nếu không tăng cường khả năng của lực lượng không quân.
Theo The Hill/ Báo Dân Trí
Bạn cảm thấy bài viết thế nào?
Bài viết liên quan
Admin
Journalist / FounderChúng tôi là người sáng lập ChienDaHongHot chúng tôi có chung một đam mê với Mạng xã hội, đam mê Code và yêu thích Máy tính...