Mơ ước vào giảng đường của nữ sinh nghèo có bố bại liệt, mẹ trầm cảm
"Chị ơi! Chị có thể giúp em tiếp tục đi học đại học được không, nhà em khổ quá", giọng cô gái rụt rè nói qua điện thoại với mong muốn có thể nhận được sự giúp đỡ từ bạn đọc báo Dân trí. T…
"Chị ơi! Chị có thể giúp em tiếp tục đi học đại học được không, nhà em khổ quá", giọng cô gái rụt rè nói qua điện thoại với mong muốn có thể nhận được sự giúp đỡ từ bạn đọc báo Dân trí.
Tai ương liên tiếp trút xuống gia đình
Thông qua sự giới thiệu và động viên từ lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), nữ sinh Trần Thị Thu Trinh (18 tuổi, ngụ xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) có số điện thoại và mạnh dạn liên hệ báo Dân trí để ngỏ lời mong nhận được sự giúp đỡ.
Qua điện thoại, Trinh kể sơ về hoàn cảnh khốn khó của gia đình khi bố bị bại liệt chỉ ngồi yên một chỗ, mẹ trầm cảm, tính tình không được bình thường. Gia đình em hoàn toàn không có nguồn thu nhập, chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp hộ nghèo hàng tháng.
Trinh thủ thỉ trước khi tắt máy "Chị ơi! Chị có thể giúp em tiếp tục đi học đại học được không, nhà em khổ quá". Trinh cũng không quên bày tỏ niềm khát khao được đi học để kiếm được việc làm, kiếm tiền giúp bố mẹ chạy chữa bệnh tật đang bủa vây.
Lần theo địa chỉ cô nữ sinh gửi, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ở lưng chừng dốc tại thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh trong một chiều mưa tầm tã của tháng 8 Tây Nguyên. Tiếp chúng tôi là cô nữ sinh đen nhẻm, rụt rè khi nói chuyện với người lạ.
Giữa ngôi nhà trống trơn là chiếc giường cũ kỹ nơi ông Trần Chí Long (50 tuổi, bố em Trinh) đang ngồi suy tư. Ông Long ngồi bần thần, phút chốc lại đưa tay vò đầu rồi ngoái nhìn ra cửa sổ thở dài như ai oán cho số phận của gia đình đang yên lành bỗng chốc như đi vào ngõ cụt.
Ngồi lặng một lúc lâu, Trinh kể mọi tai ương của gia đình bắt đầu vào 3 năm trước. Thời điểm này, mẹ Trinh làm nghề buôn bán trái cây, gia đình có thu nhập đồng ra đồng vào nên quyết định phá bỏ căn nhà gỗ để xây lại căn nhà mới tươm tất cho gia đình ở.
Tuy nhiên, khi nhà đang xây dở dang gần hoàn thiện thì vườn tiêu trong vườn chết sạch, đàn bò cũng ủ bệnh rồi chết, kinh tế trong nhà bắt đầu eo hẹp.
"Kể từ đó mẹ sinh ra mất ăn, mất ngủ triền miên rồi nói nhảm linh tinh. Cả gia đình em lo lắng đưa đi khám thì bác sĩ nói mẹ bị trầm cảm nặng, phải điều trị dài ngày. Đến nay tình trạng của mẹ vẫn chưa thuyên giảm, nhiều lúc mẹ còn tự rời nhà đi biệt tích, phải vất vả đi tìm khiến gia đình lo lắng vô cùng", Thu Trinh nghẹn ngào.
Thấy hoàn cảnh khó khăn, người anh trai của Trinh đang học cấp 3 dở dang, buộc phải bỏ học vào TPHCM xin làm lao động phổ thông với đồng lương eo hẹp.
Mẹ bệnh chưa được bao lâu đến lượt bố Trinh trong một lần đi phụ hồ đã bất ngờ bị té, chân nhiễm trùng. Vết thương những tưởng chẳng là gì đối với người đàn ông sương gió biết bao năm lam lũ. Ấy vậy, vết thương lại sưng tấy, đau nhức dữ dội.
Quá đau đớn, cả gia đình lại gom góp đưa ông Long đi viện huyện rồi chuyển thẳng xuống TPHCM để mổ. Bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng nặng do tắc động mạch và phải cưa cụt một chân. Đau đớn lê thân xác chỉ còn một chân về nhà, ông Long lòng đau khôn tả.
Nhưng chỉ vài tháng sau, chiếc chân còn lại cũng chẳng tha cho ông. Cái triệu chứng cũ lại hành hạ và gia đình lại vét sạch tiền đưa ông đi viện cưa chân.
Lần cưa chân thứ 2 may mắn hơn khi ông mới chỉ cắt đi bàn chân nhưng đã biến ông trở thành một người bại liệt hoàn toàn chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ cả vào cô con gái.
Mơ được là cô sinh viên đại học
Thu Trinh là học sinh của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trên địa bàn huyện Krông Pắk. Gia đình nghèo, Trinh vừa lo cơm nước, vừa tất bật lo cho mẹ rồi theo bố đi TPHCM chạy chữa bệnh tật nhưng em chưa bao giờ lơ là việc học. Suốt 3 năm học THPT, em đều đạt học sinh giỏi. Kết quả thi THPT vừa qua, Trinh đạt 23,4 khối A1 (chưa tính điểm cộng).
Biết điểm thi, nếu như biết bao bạn bè đồng trang lứa đang chuẩn bị hành trang để chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học thì trong lòng Thu Trinh ngổn ngang những suy nghĩ về cuộc sống khốn khó hiện tại.
"Em đăng ký nguyện vọng vào ĐH Kinh tế TPHCM nhưng em biết gia đình em hoàn toàn không có khả năng để cho em đi học. Bố mẹ em nay cũng bệnh tật, không ai chăm sóc. Một mặt em muốn xin đi làm việc gì đó để kiếm tiền giúp bố mẹ chữa bệnh nhưng trong lòng em vẫn khao khát, mơ ước được vào mái trường đại học", Trinh tâm sự.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, Trinh vừa chạy vội vào căn phòng tối nơi mẹ đang ngồi thất thần để xem mẹ có hành động gì quá tầm kiểm soát hay không. Sau đó, em lại hớt hải chạy tới xoa bóp cho bố đỡ đau nhức nơi vết thương vừa cắt.
"Tôi ngồi đây nhìn nó mà rớt cả nước mắt, nó ham học, học cũng giỏi mà nhà sao cứ quá khổ sở thế này. Tôi nay bị liệt chẳng biết lấy gì để sống, mẹ nó cũng bị bệnh hành hạ. Cái Trinh nó ham học mà số nó khổ quá. Xưa tôi được bố mẹ cho đi học thì không đi, còn nay con mình muốn đi học thì tôi lại không có khả năng", nói rồi ông Long ôm mặt khóc tức tưởi.
Ông Long nói thêm, chỉ cần con gái được đi học, việc ở nhà dù có vất vả bao nhiêu, ông cũng cố gắng vượt qua. Với ông, gần nhà vẫn còn họ hàng, xóm giềng giúp đỡ. Ông không muốn cuộc đời con gái mình lại khổ sở, tương lai mù mịt không lối thoát như vợ chồng ông hiện tại.
Thương con gái, ông Long cũng từ bỏ mơ ước làm đôi chân giả, ông cho biết sẽ gom góp tất cả miễn giúp con gái có thể đến được trường học.
Nghe bố nói, Trinh nước mắt lưng tròng, tay nắm chặt tay bố. Tiếng hai bố con an ủi nhau hòa lẫn với màn mưa trắng xóa ngoài trời.
Bà Trần Thị Thành - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Pắk - cho biết Thu Trinh là cô học sinh nghèo hiếu học, gia cảnh em vô cùng khó khăn. Những năm vừa qua, nhà trường cùng với Hội chữ thập đỏ huyện và địa phương luôn quan tâm, vận động hỗ trợ cho gia đình, hỗ trợ kinh phí học tập của em Trinh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn chế nên việc học đại học sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Tôi mong thông qua báo Dân trí, em Trinh sẽ nhận được sự chia sẻ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp em đạt được ước mơ bước vào ngưỡng cửa đại học, giúp tương lai của em tốt đẹp hơn", bà Thành chia sẻ.
Theo Báo Dân Trí
Bạn cảm thấy bài viết thế nào?
Bài viết liên quan
Admin
Journalist / FounderChúng tôi là người sáng lập ChienDaHongHot chúng tôi có chung một đam mê với Mạng xã hội, đam mê Code và yêu thích Máy tính...