Image
Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, ông Yasutoshi Nishimura đã tới thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Ảnh: Kyodo)

Ngày 18/8, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, ông Yasutoshi Nishimura đã tới thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima để chứng kiến mức độ hư hỏng do thảm họa hạt nhân do sóng thần gây ra tháng 3/2011 và đánh giá những khó khăn đối với nhà máy và nỗ lực dỡ bỏ nhà máy.

Trong chuyến thăm, ông Yasutoshi Nishimura cũng sẽ  thảo luận với giới chức Công ty điện lực Tokyo TEPCO, đơn vị chủ quản của nhà máy, và gặp giới chức chính quyền địa phương. 

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều vấn đề cần xử lý đối với nhà máy điện hạt nhân Fukushima, gồm kế hoạch gây tranh cãi về xả thải nước chứa phóng xạ đã qua xử lý ra biển Thái Bình Dương. 

Thị trưởng hai thành phố nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Fukushima kêu gọi chính phủ trung ương có các biện pháp nhằm bảo vệ uy tín của ngành đánh bắt hải sản tại khu vực dự kiến đổ nước chứa phóng xạ ra biển.

Kế hoạch gây tranh cãi của Nhật Bản đổ nước thải chứa phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình dương gây quan ngại từ cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước láng giềng của Nhật Bản về tác động đối với môi trưởng biển toàn cầu và sức khỏe người dân các nước vành đai Thái Bình Dương.

[Nhật Bản thông qua kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ]

Phía Nhật Bản được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế của mình, loại bỏ nước ô nhiễm hạt nhân một cách khoa học, công khai, minh bạch và an toàn và chấm dứt việc thúc đẩy thực hiện kế hoạch đổ nước thải phóng xạ ra biển.

Nhà máy có chức năng làm lạnh chính bị ngừng hoạt động sau khi bị một cơn sóng thần lớn do động đất đập vào 1 thập niên trước, dẫn đến cuộc khủng  hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Nước ô nhiễm được chứa trong các bể tại nhà máy dự kiến sẽ đạt công suất vào năm 2023 và quy trình đổ nước chứa phóng xạ ra biển được TEPCO dự kiến sẽ mất vài thập kỷ, bắt đầu từ mùa Xuân tới./.

 
Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)